Thử hình dung: Có 1 ngày bạn bước lên sân khấu để chia sẻ 1 nội dung quan trọng, bạn rất tâm huyết và đã chuẩn bị kỹ điều mình sẽ nói, cả hình ảnh mà mình xuất hiện.
Bên dưới mọi ánh mắt đang được bạn thu hút, không gian lặng thinh dõi theo từng bước đi của bạn lên vị trí trung tâm sân khấu.
Rồi câu nói đầu tiên vang lên: “Xin chào tất cả mọi người, tôi là…”
Giọng bạn cất lên – nhưng đáng tiếc thay, nó lại ngược lại hoàn toàn hình ảnh và năng lực chuyên môn thực sự mà bạn có!?
Nó không đủ vững vàng, chắc chắn, nội lực mà nhỏ yếu, hụt hơi và quá nặng nề hoặc quá chói.
– Có đoạn bạn cuốn vào nội dung nên đã nói quá nhanh, có đoạn thì quá rời rạc…
– Càng nói bạn càng thấy đuối sức và cảm giác như có gì đó đang đè nghẹn lại trong cổ họng khô rốc của mình.
…
Và rồi mọi người ngồi dưới bắt đầu phân tâm, có người quay sang nói chuyện, có người dùng điện thoại…họ không còn chú ý đến những điều mà bạn đã kỳ công chuẩn bị nữa.
Trong số những người ngồi nghe có người lần đầu họ biết đến bạn. Và rõ ràng rằng những ấn tượng đầu tiên luôn góp phần định hình rất mạnh mẽ cho nhận định của người khác về mình.
Không phải trong tưởng tượng nữa mà chính bạn đã từng có trải nghiệm thực tế này trước đó chưa?
Giọng nói là điều hiển nhiên quen thuộc mình vẫn dùng hằng ngày, bỗng nhiên khi đến thời điểm quan trọng, nó lại như đang “quay lưng” với mình, trở thành rào cản thay vì 1 nguồn sức mạnh góp phần tạo nên dấu ấn cá nhân?
Đó là “tầm quan trọng âm thầm” của giọng nói – 1 “ngọn lửa vô hình” sẽ thắp sáng thương hiệu cá nhân của bạn bất kỳ lúc nào.
Tại sao giọng nói quan trọng trong xây dựng thương hiệu cá nhân?
Bởi bản chất của giọng nói:
- Nó là Dấu hiệu nhận diện vô hình cho mỗi cá nhân
- Nó Gắn bó chặt chẽ với cảm xúc
- Nó Ảnh hưởng đến niềm tin và trí nhớ
- Nó Tạo ra trải nghiệm đồng điệu, kết nối.
Đây là lúc bạn nhận ra: Giọng nói không phải là âm thanh vô cảm mà nó là một dạng tần số rung động riêng!
1. Giọng nói: “Sợi dây vô hình” kết nối não bộ và cảm xúc
Theo nghiên cứu từ Đại học Glasgow công bố vào năm 2014, chỉ cần vài giây, bộ não đã đánh giá được giọng nói này đáng tin cậy và có thân thiện hay không.
Tiến sĩ tâm lý học Susan Weinschenk từng nói: “Hạch hạnh nhân trong não phản ứng với âm sắc và nhịp điệu trước cả khi bạn hiểu nội dung. Một giọng trầm ấm, chậm rãi không khác gì một cái ôm dịu dàng, khiến người nghe cảm thấy an toàn. Một giọng the thé, vội vã tựa như tiếng còi xe trong giờ cao điểm, dễ khiến họ căng thẳng hay muốn rời đi.”
Hãy nghĩ về giọng nói của bạn như một bản nhạc.
Nếu bản nhạc ấy được chơi 1 cách khéo léo, tinh tế, có lúc trầm lúc bổng, lúc cao trào, lúc lắng đọng người nghe sẽ đắm chìm và cảm nhận sâu sắc.
Ngược lại, một bản nhạc đơn điệu hay quá lộn xộn cũng giống như giọng nói thiếu sức sống, lạc nhịp có thể khiến cuộc trò chuyện tan biến như một bản nhạc bị bỏ dở giữa chừng.
Giọng nói chính là cây cầu vô hình, kết nối bạn với trái tim người khác, khiến họ không chỉ nghe mà còn cảm nhận bạn ở nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.
2. Vì sao Giọng nói tác động mạnh vào cảm xúc – Bí mật nằm ở tế bào thần kinh gương trong não.
Giọng nói chứa đựng nhiều thông tin cảm xúc thông qua tông giọng, nhịp điệu và âm lượng… Khi nghe người khác nói với cảm xúc mạnh mẽ, người nghe có thể vô thức “phản chiếu” lại hoặc đồng điệu với cảm xúc đó, một phần nhờ vào hoạt động của tế bào thần kinh gương. Điều này giải thích tại sao chúng ta có thể cảm thấy buồn khi nghe ai đó kể chuyện buồn, hoặc phấn khích khi nghe giọng nói đầy năng lượng.
Mô hình học liên kết Hebbian giải thích cách tế bào thần kinh gương hình thành thông qua trải nghiệm. Khi một người thường xuyên nghe và ấn tượng hay cảm nhận được giọng nói hoặc hành động của người khác, các kết nối thần kinh giữa vùng cảm giác và vận động được củng cố. Điều này góp phần làm tăng khả năng đồng cảm và gắn bó giữa người nói và người nghe.
Vì vậy sẽ rất hiệu quả nếu bạn ứng dụng được 1 giọng nói có sức tác động mạnh mẽ sẽ là đóng góp không hề nhỏ cho thương hiệu cá nhân của bạn trong các hoạt động:
- Lãnh đạo và giảng dạy: giúp truyền cảm hứng và xây dựng uy tín…
- Giao tiếp chuyên nghiệp: thuyết trình, bán hàng, đàm phán
- Tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội: podcast, video, livestream
3. Giọng nói – Tấm “danh thiếp âm thanh” mà bạn quên chưa thiết kế
Nhà thơ Maya Angelou từng nói: “Người ta sẽ quên điều bạn nói, nhưng không bao giờ quên cảm giác bạn mang lại.”
Trong một thế giới mà AI có thể sao chép mọi thứ, giọng nói chân thật, đầy cảm xúc của bạn chính là 1 dạng chữ ký, 1 tấm “danh thiếp âm thanh” riêng không ai có thể bắt chước hay thay thế được.
Giống như danh thiếp giấy mang thông tin nhận diện cơ bản (tên, chức danh, công ty…), thì giọng nói truyền tải thông tin, cảm xúc, khí chất, sự chuyên nghiệp và cá tính – đó là “thương hiệu sống” của bạn.
Nhưng nhiều người đã bỏ quên mất yếu tố mạnh mẽ này.
▪️ Chỉ chú ý đến Sắc mà quên Thanh: Đầu tư vào hình ảnh, ngoại hình,… nhưng quên mất giọng nói mới là thứ người khác “nghe & cảm” trước.
▪️ Chuyên môn năng lực, uy tín…là vô cùng quan trọng, nhưng quên mất rằng, những điều giá trị đó sẽ ở đâu nếu bạn không thể truyền đạt hiệu quả tới người khác khi giao tiếp, kết nối?
▪️ Không ý thức được “giọng nói phản chiếu bản thân”: Nhiều người vẫn nghĩ giọng nói là bẩm sinh, không thay đổi được, nên mặc kệ việc nó có yếu, đều đều, căng thẳng, thiếu sức hút…và nó cũng chỉ tác động nhỏ, không đáng kể gì cho dấu ấn cá nhân.
▪️ Dùng giọng nói sai cách, quá tải,…: Khi bạn nói chuyện bán hàng nhưng giọng thiếu sự vững chãi đáng tin cậy, hay muốn truyền cảm hứng nhưng giọng lại yếu ớt, trong vai trò lãnh đạo nhưng tiếng nói lại mong manh hay nặng nề –tất cả đều đang âm thầm gây mất đồng bộ hình ảnh thương hiệu cá nhân của bạn mà có thể bạn đã bỏ qua.
▪️ Không luyện tập trước để đến khi cần giọng nói lại không đạt phong độ tốt nhất của mình.
4. Làm sao để bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân với giọng nói?
- Nhận diện và hiểu “Bản thanh” – chất giọng gốc rễ của mình trước
- Ứng dụng giọng nói ở trạng thái tốt nhất, phong độ tốt nhất của mình 1 cách đồng bộ trên các nền tảng, ở các hoạt động nổi bật.
- Xác định giá trị và hình ảnh thương hiệu cá nhân bạn muốn thể hiện
- Kết nối những giá trị cốt lõi trong thương hiệu cá nhân của bạn với các đặc trưng nổi bật trong giọng nói sao cho nó có sự đồng bộ và “là mình” nhất. (Bạn có thể mô tả ra thành các từ khóa, các tính từ, các hình ảnh minh họa để hình dung về những điểm đặc trưng của mình)
- Bắt đầu luyện tập cho giọng nói từ nền tảng 4T: Thân – Thở – Thanh – Tâm
Bạn thân mến,
Giọng nói không chỉ là 1 nguồn âm thanh trao đổi thông tin đơn thuần – đó còn là cách thế giới cảm nhận bạn!
Trong hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân, rất nhiều người đầu tư vào hình ảnh, nội dung, chiến lược… nhưng lại vô tình bỏ quên “tấm danh thiếp âm thanh” đầy quyền lực này.
Mong bạn thấu hiểu rằng, giọng nói này của bạn có thể tạo ấn tượng đầu tiên, và cũng sẽ lưu lại nỗi nhớ sau cùng.
Nó hoàn toàn có thể truyền tải giá trị cốt lõi và những điều tốt đẹp trong bạn tới mọi người.
Đừng xếp nó ở hàng cuối danh sách. Hãy đặt giọng nói ở vị trí xứng đáng hơn – để mỗi lần bạn cất tiếng là một lần thương hiệu cá nhân được khẳng định và lan tỏa.
Unique Voice – Bản Thanh
Đơn vị đào tạo và thực hiện các dự án về giọng nói cho cộng đồng.
“Mượn giọng sửa mình, chọn THANH làm NHÂN